Tâm Nhiên

Tâm Nhiên

NGUYÊN CẨN SAU NGHÌN DẶM PHONG TRẦN





Tâm Nhiên, Nguyên Cẩn ( Sài Gòn 2015 ) 




Giữa phong trần cuộc lữ, Nguyên Cẩn vừa đi vừa ngắm nhìn, lắng nghe và dĩ nhiên là viết, viết và viết liên tục không ngừng. Bút lực dồi dào vững chắc, bền bỉ sâu sắc, lặng đi vào giữa lòng đời, khơi dậy niềm yêu thương, đánh thức lương tri nhân loại một cách tự nhiên, truyền cảm lạ thường. Tư tưởng nhân văn ấy, thể hiện qua tám tập thơ đã xuất bản : Gởi Lại Đôi Dòng, Bụi Phấn Một Đời, Cuối Đường Mây Trắng, Gánh Tình Qua Sông, Nhìn Sâu Trong Mắt, Ngồi Đợi Gió Sang Canh, Sầu Rụng Thành Hoa, Đối Thoại Với Hư Không, hai tập tản văn Cà Phê Không Đường, Bóng Chữ Trước Đèn và hàng trăm bài viết còn nằm rải rác trong các bản thảo.

Chào đời năm 1956 tại Sài Gòn giữa thủ đô miền Nam Việt Nam, cảm thụ, tiếp thu nền văn hóa, văn minh tân tiến, hiện đại. Thuở còn sinh viên, ngưỡng mộ Nguyễn Du, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Tuệ Sỹ… Lớn lên thích đọc triết lý Đông Tây kim cổ, say mê Lão Tử, Trang Tử, Lâm Tế, Bồ Đề Đạt Ma, Huệ Năng, Kim Dung, Tuệ Trung Thượng Sĩ, Rimbaud, Nietzsche, Krishnamurti, Nikos Kazantzakis… Suy tư nghiền ngẫm, thấm dần vào trong tâm trí thông minh vốn đầy mẫn tuệ. Thế rồi, tốt nghiệp Đại học Sư phạm năm 1978, đi dạy học ở Nha Trang một thời gian. Sau đó, hoàn thành Tiến sĩ Kinh tế học, giảng dạy các trường Đại học Tài Chánh Kế Toán, Đại học Ngân Hàng, đồng thời làm quản lý doanh nghiệp hóa chất Nam Giang.

 Đặc biệt, điểm nổi bật nhất là Nguyên Cẩn cũng nghiên cứu Phật giáo Thiền tông đến độ thâm sâu, thấu thị và biết đem ứng dụng một cách hài hòa, sinh động vào cuộc sống thường nhật hằng ngày. Tạo ra niềm hỷ lạc, hân hoan cho bản thân và đương nhiên là cho mọi người lân cận, thân thiết quanh mình. Thích làm việc từ thiện, cứu giúp, tài trợ cụ thể cho những hoàn cảnh ngặt nghèo, khó khăn, thảm hại ở những vùng xa xôi hẻo lánh. Ngoài việc làm thơ, thi sĩ còn viết nhiều thể loại tản văn, bút ký, lý luận văn học, thời sự. Vô cùng say đắm nàng thơ nhưng cũng đam mê sáng tạo và sáng tạo miên man, chỉ để hiến dâng cho mười phương mây trắng, kính tặng mặt đất thân yêu trên dặm dài lang thang lữ thứ.

Từ bao giờ đến bây giờ, dòng nhân sinh trường mộng vẫn âm thầm chảy trôi giữa đôi bờ sống chết, có không, mộng thực... Dẫu vẫn biết vô thường đang diễn bày ngay trên từng bước đi của ngày tháng với những bất an rình rập, những vu oan giá họa, những oan khiên nghiệt ngã, những khủng bố dã man… không ngừng bức bách, bởi từng trận gió hư vô khô khốc, bởi sự độc tài một cách vô nhân đạo đang diễn ra khắp nơi trên toàn thế giới, nhưng tất cả mọi cuồng phong, bão tố, mọi tai ương thảm họa khủng khiếp kia, cũng không thể nào dập tắt được ngọn lửa thiêng trong trái tim người, không thể nào hủy diệt được ý chí sáng tạo của con người, nhất là của những đạo sĩ, thiền sư, nghệ sĩ, thi nhân mà trái lại, chính ở ngay trong những cơn lốc bể dâu nọ, đã khích động họ lên đường, vượt qua và vượt qua những đoạn trường, những chướng ngại đầy gian nan thử thách của tồn sinh.

Trong số những nghệ sĩ, thi nhân đích thực đó, có Nguyên Cẩn, một nhà thơ thuần nhiên chơn chất, dấn bước một mình trong cô đơn lặng lẽ, như cưu mang một nỗi niềm chi ẩn mật mà đi khắp nẻo ta bà, rong ruổi mộng chơi vơi :

Cuối sông cuối bãi cuối trời
Cuối cùng của những bời bời rối răm
Tình người bọt nước mù tăm
Rừng U Minh vẫn trăm năm u hoài
Biển xa sóng vỗ dọc dài
Tuổi thơ mặn chát trong ngoài ước mơ

Thở bầu khí hậu đầu nguồn, cuộc lữ rong rêu theo gót mộng phiêu lưu tận cuối đất cùng trời, giáp mặt với cõi người ta, từ phồn hoa phố thị đến những làng thôn hoang dã tiêu điều. Phiêu bồng hết mọi vùng biển rộng sông dài, rồi ngao du lên tận cao nguyên, những xứ miền núi cao, bạt ngàn rừng sâu rú thẳm, mây trắng và sương mù trùng trùng điệp điệp, vừa đi vừa lắng nghe bao nỗi đời rơi xuống buồn bã xót xa :

Ngả lưng trên đồi nghe chim hót
Chén buồn nghiêng ánh giọt chiều rơi
Tìm quên trong cõi đời vô vọng
Vò rượu tình cay đã cạn rồi

Ngả lưng trên cao nhìn xuống thấp
Người người tất bật địu ngày đi
Gian nan nặng gánh vai gầy trĩu
Cõng suốt trăm năm để lại gì ?

Thi sĩ ngậm ngùi ôm nỗi sầu thế sự lên núi như Cao Bá Quát, Tản Đà ngày xưa uống rượu tiêu sầu. Rượu tình, rượu nghĩa, rượu ngọt bùi lẫn cay đắng đều dốc cạn một lần cho tiêu tan hết những niềm đau thân phận kiếp người. Ơi một kiếp phù du, huyễn hóa chớ có gì quan trọng lắm đâu ? “Trăm năm còn có gì đâu ? Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì.”  Phải không Nguyễn Gia Thiều ? Chiều hoang vu đứng trên đồi cao khói sương bảng lảng, nhìn xuống cõi đời bé nhỏ, lô nhô, lúc nhúc những sinh linh đang quằn quại đấu tranh, giành giật mảnh danh vọng, chìm đắm trong đám bùn lầy vật chất dưới kia mà thi nhân trầm tư, chạnh lòng trắc ẩn, thốt lên từng lời thơ ngụ ý như nhắc nhở chân thành :

Người ơi ! Hãy giữ lòng trinh bạch
Cho cõi thơ thanh quý một đời
Tình vẫn ngời thơm manh áo rách
Máu còn thắm sạch trái tim côi

Người ơi ! Hãy giữ lòng ngây dại
Cho ý thơ bay vút tận trời
Cho nụ cười vui luôn ở lại
Dẫu ngàn cay đắng đọng sau môi

Người ơi ! Hãy giữ lời như ngọc
Tạc đá hồn thơ dẫu đoạn trường
Cho kẻ tìm thơ không phải khóc
Lệ buồn “vô mệnh thị văn chương”

Thi nhân trải lòng ra mà tâm sự như thế, thể hiện một phong thái bao dung rộng lượng, muốn cùng chia sẻ với mọi người mọi kẻ, khắp chốn nơi nơi, nhất là với những nhà thơ, văn nghệ sĩ, những tâm hồn bẩm sinh nhạy cảm. Hãy biết tự trọng, giữ gìn sự thanh bạch, cao quý, “đói cho sạch, rách cho thơm.” Dù có bị áp bức đọa đày, điêu linh, khổ lụy đi chăng nữa, thì cũng không bao giờ run sợ, hèn hạ làm kẻ nô lệ, bẻ cong ngòi bút, uốn lưỡi đi tuyên truyền, ca ngợi những thế lực vô minh. Hãy cứ để tự nhiên cho trái tim ngây thơ rung động, nhẹ mỉm cười theo hồn thơ bay vút lên tận thiên thanh vĩnh thúy, trên con đường thênh thang sáng tạo, hướng về Chân Thiện Mỹ ngay trong trái tim mình. Chính từ nhãn quan phóng khoáng bao la đó, thi nhân dấn thân vào cuộc sống, bằng thái độ chân tình cởi mở, thở cùng không khí thi ca thuần chất, rất mực chan hòa :

Người từ ánh sáng đi ra
Tôi từ trong mẹ và cha đi vào
Trần gian kính cẩn xin chào
Trang nghiêm cười khóc lao xao mọc mời
Sóng xô chuyện của một thời
Nước trôi chuyện của một đời phù vân
Cái thân trang trải nợ nần
Chiêm bao kết tụ trắng ngần thành sương
Tử sinh chỉ một con đường
Uy nghi lá rụng vô thường mộng rơi

Chơi giữa vô thường là một cuộc chơi hòa điệu với sinh tử bi hùng cùng chiêm bao ảo mộng, hư huyễn phù vân. Thế thì còn chi ly kỳ, gay cấn hơn nữa, phải không ? Bồng tênh trên thể điệu tùy nghi, thi sĩ bước đi phiêu nhiên giữa vạn pháp chập chùng. Rồi một hôm thư thả, bình yên ngồi lại một mình thiền định, tịch nhiên quán chiếu vạn pháp suốt từ nghìn xưa cho tới nghìn sau :

Tôi ngồi tựa pháp nghe mưa
Giọt sau chen giữa giọt xưa chan hòa
Tôi ngồi tựa pháp xem hoa
Cánh là diệu hữu nhụy là hư không
Tôi ngồi tựa pháp qua sông
Đò nghiêng sóng động mà lòng thản nhiên
Tôi ngồi ngắm bóng mây thiền
Bến xưa trời cũ muộn phiền nước trôi
Tôi ngồi một cõi rong chơi
Ghế không chiều lạnh quán đời rỗng tênh

Rỗng lặng, rỗng rang khi quán tưởng thấy suốt ba đời, sáu cõi, mười phương trùng trùng pháp giới Hoa Nghiêm đều nằm gọn trong một tâm niệm vi diệu, vi tế của mình đây thôi, nên triệt đế dốc hết lòng dạ ra sống mãnh liệt và mãnh liệt hơn nữa. Sống một lần Tự Do Đầu Tiên Và Cuối Cùng như đạo sư Krishnamurti hay sống Tâm Tình Hiến Dâng như thi hào Tagore hoặc sống thơ mộng, hồng hào như đóa hoa sen giữa bùn lầy uế trược bụi phù sinh :

Đóa sen soi lại bóng mình
Giữ lòng trong giữa nhục vinh cõi trần
Bùn danh lợi níu bao lần
Biển tâm sóng dậy xoay vần gió sương
Chân đi không lấm bụi đường
Hồn thơ giũ sạch đoạn trường bước qua

Thật là độc đáo, khi hồn thơ giũ sạch hết cặn bã lợi danh, thành hay bại, vinh với nhục cũng rơi lả tả dưới dặm dài gót lữ phong trần.“Chân đi không lấm bụi đường” là bước đi không dính mắc, chẳng vướng kẹt vào được và mất, khen và chê, sướng và khổ, tài với sắc, danh thơm và tiếng xấu giữa trần gian cát bụi mịt mù. Giũ sạch mọi đa đoan, đoạn trường nhân thế, bước qua vô thường, dâu bể một cách thanh thản an nhiên, tương nhượng hòa hài :

Nước từ vô tận trùng lai
Hóa thân ghềnh thác vẫn mài miệt tuôn
Tôi từ giọt máu cỗi nguồn
Nỗi đau phát sáng ánh buồn thành thơ

Chính từ trong bao khổ lụy, bi thương, từng uống cạn bao dòng máu lệ tồn sinh đó mà tấm lòng thi nhân đồng cảm tiêu hóa, tiêu dung giọt lệ và nụ cười, khổ đau và hạnh phúc... để rồi rung ngân lên thành tiếng thơ tha thiết, nồng nàn. Đối với chàng, thơ là phím đàn ngoạn mục, là cung bậc xuất thần nhập diệu yêu thương, là nhiệm mầu sâu kín và nhẹ vời tương ưng trong từng hơi thở :

Bao giờ cho đến bao giờ
Thơ rung lại nhé phím tơ hồn người
Để thơ chẳng phải về trời
Để người sống lại với đời yêu nhau

Hãy yêu thương nhau đi, vì chỉ có tình thương mới đem lại hòa bình cho nhân loại. Hãy phát động một cuộc cách mạng tâm thức, một cuộc chuyển hóa tâm linh, bằng hết sức sự tinh thành, mạnh mẽ nhất. Lên đường khám phá chính mình, không phải là chạy khắp đông tây, khắp nam bắc để tìm kiếm mà ngay dưới gót chân, ngay giữa lòng sâu thẳm của chính mình đây thôi. Từ đó, phát hiện ra một phương trời bát ngát của tự tâm, tự tánh phong quang, huy hoàng tráng lệ :

Bốn phương sông núi yên bề
Một phương ta mở lối về Chân như
Rỗng rang là cõi thái hư
Là trong trắng mộng vô dư Niết bàn

Niết bàn hay Chân như là những khái niệm chỉ cái bản tâm thanh tịnh, sáng suốt của mỗi người trong tất cả chúng ta, vốn sẵn có từ vô thủy đến vô chung. Chỉ cần mình tỉnh thức, trực thấy, nhận ra bây giờ ở ngay trước mắt, sống thực sự với bản tâm đó thì thong dong, thõng tay vào phố chợ ta bà, tha hồ dạo chơi tự do tự tại, qua lại ra vào vô sự giữa muôn chiều diệu dụng Như Như. Giữa ngày tháng đi hoang, chàng thi sĩ Nguyên Cẩn bất ngờ cùng đồng thanh tương ứng với thi hào Vương Duy, trên nhịp bước trở về cửa Phật, cửa Không lồng lộng thâm trầm : “Ở đời bao chuyện thương tâm. Không về cửa Phật biết làm sao khuây ?”

Thật vậy, đã từng thấy nghe, chứng kiến biết bao nhiêu chuyện đời thống khổ thương tâm. Trầm tư khắc khoải, quay quắt đủ thứ quằn quại ưu phiền, nhiêu khê, tế toái, rồi hốt nhiên, chàng liền chuyển hóa, tạo một bước nhảy trọng đại quay về. Trở về quê xứ nội tâm, phấn chấn rộn rã quy hồi cố quận, trên tinh thần trân trọng từng giây phút tân kỳ mới lạ. Thưởng thức được hương vị tâm thiền uyên mặc, phảng phất tận đáy lòng sâu xa và hòa chan vào với thực tại đang là :

Đã đi mòn một khoảng trời
Đường mây cánh mỏi mà đời chửa yên
Đêm đêm lắng đọng ưu phiền
Chắt chiu một giọt hương thiền tĩnh tâm
Nhân gian quay quắt bụi lầm
Bão từ mê vọng mạch ngầm sóng xô
Mai này trùng ngộ hư vô ?
Thì xin trân trọng phút giờ hiện sinh

Hiện sinh, hiện tại, hiện hữu là sống trọn vẹn với thực tại hiện tiền. Tuyệt nhiên không hối tiếc những gì đã qua trong dĩ vãng, quá khứ, chẳng mơ màng, mong ước, vọng cầu chi ở tương lai, mai mốt xa xôi. Giống như thi sĩ Thụy Điển Tomas Transtromer vừa được giải Nobel văn chương năm 2011 tâm sự : “Gần đây, những suy niệm về tôn giáo nảy sinh trong tôi lúc này lúc khác, khiến tôi nhận ra ý nghĩa có mặt trong phút giây hiện tại, trong việc nương vào thực tại, cảm nghiệm nó và sáng tạo nên một điều gì đấy về nó”, nhà thơ Nguyên Cẩn cũng vậy, cũng thể điệu chịu chơi nhập cuộc rốt ráo vào hiện sinh, vào cái bây giờ và ở đây, ngay trong từng một niệm tưởng sát na :

Niệm tôi một niệm thở ra
Buồn xưa như khói thoảng qua mặt hồ
Niệm tôi bất tận nam mô
Phật từ tâm hiện mây mờ vụt tan
Nụ cười sau những tân toan
Trời giông bão tạnh sóng tràn ý thơ
Niệm tôi thuyền tách bến mờ
Nghiệp duyên giũ sạch sang bờ ngoái trông
Niệm tôi vô xứ vô tông
Quê là huyễn hữu không không là nhà
Niệm tôi một niệm vào ra
Quán trăm năm một sát na ra vào

Một khi khám phá ra quê nhà chính là Tâm Không, Tánh Không, biết mình “ không từ đâu đến cũng chẳng đi về đâu” thì an trú vào thực tại hiện tiền, cái đang là như thị. Thế là thi nhân đã thấy ra giữa ngút ngàn sương khói, lãng đãng phù vân, chính tâm mình là Phật, chính lòng mình là đạo, nên không còn thắc mắc, tự hỏi đạo là gì như thuở nọ, ngày xưa nữa. Một khi những trăn trở, trằn trọc buông xuống nhẹ nhàng, vắng lặng mọi hướng ngoại tầm cầu thì tự nhiên hiển lộ cố xứ Như Lai, ngay trong lòng tự tánh thanh tịnh của chính mình, thi nhân liền vội quỳ xuống dưới chân Đức Phật giữa đêm giao thừa linh diệu siêu nhiên :

Con khấu đầu xin thôi ước nguyện
Khi hiểu mai về một cõi Không
Bừng lên một sát na vô niệm
Con thấy Như Lai hiện giữa lòng

Ơi chao ! Gặp Thế Tôn trong tâm hồn mình rồi, thấy Đức Phật đưa cành hoa lên và thi nhân mỉm cười, niêm hoa vi tiếu, chợt “bừng lên một sát na vô niệm” phi thường như thế, quả thật là một niềm vui cực kỳ hy hữu, tưởng chừng như nhập vào cảnh giới Hoan hỷ địa, bất khả tư nghì. Vô niệm là một pháp môn độc đáo của Lục Tổ Huệ Năng, như Lục Tổ từng phát biểu : “Nếu thấy hết thảy pháp mà tâm không ô nhiễm cũng không vướng mắc, ấy gọi là Vô niệm. Hoạt dụng hết thảy chỗ mà chẳng mắc vướng chỗ nào, chỉ cần thanh tịnh bản tâm để cho sáu thức ra vào sáu căn, đối với sáu trần không nhiễm, không dính, đến đi tự do, ứng dụng vô ngại, tức là Bát Nhã tam muội, tự tại giải thoát, gọi là hạnh Vô niệm.”

Như vậy, vô niệm cũng là vô tâm, vô sự, vô vi. Thi nhân dù chỉ mới bừng thấy một thoáng thôi cũng đủ sức mạnh tinh thần vô úy, không hề sợ bị vướng nhiễm, chìm đắm trong vô minh, ngũ dục, nên vẫn tiếp tục thung dung giữa phù hoa phố bụi. Cúi lạy dâu biển vô thường, tri ân đất trời cùng với sinh tử trầm thăng, bằng cách trì tụng thần chú Đại Bi trong âm thầm miên mật :

Tình thâm nghĩa trọng ân cần
Biển dâu lạy tạ một lần ra đi
Mai về tụng khúc Đại Bi
Nửa đêm hoa rụng tức thì khai tâm

Khai tâm là một trạng thái mở bừng mắt tuệ giác rực ngời tỏ sáng. Thấy tất cả mọi hiện tượng của toàn thể vũ trụ, nhân sinh đều từ tự tánh Không biểu hiện mà ra cả, chứ chẳng có thực chất riêng biệt gì. Đi vào mọi cảnh giới trần gian muôn màu muôn vẻ mà vẫn vô quái ngại, không dính mắc, chẳng bị ràng buộc vào đâu hết, không bị trói cột vào bất cứ sự việc gì gì giữa chốn trần ai.

Phải chăng, trên muôn chiều phiêu lãng giữa nghìn trùng bạt mạng, lênh đênh trong đêm dài sinh tử, qua những trầm tư, kiếm tìm đến tuyệt lộ, hụt hẫng, chới với... rồi bất thần bùng vỡ, vất bỏ, buông xuống, trút hết mọi vọng tưởng mê lầm, quét sạch cuồng si, ám chướng quỷ ma và ngồi lại tịch nhiên lặng lẽ. Lắng nghe từng điệu thở nhẹ nhõm vô tư, tự nhiên quên hết nỗi sầu vạn đại, quên luôn cái ngã chấp âm thầm, quên ta quên người, quên đời quên đạo, quên ngộ quên mê... thì kỳ diệu thay, bất ngờ chợt thấy rộ bừng ra một đóa hoa sen, một nụ hoa lòng Mạn đà la ngào ngạt, ngát hương đời long lanh lấp lánh tuyệt vời :

Tôi ngồi bờ bãi lênh đênh
Hồn thơ nặng nghiệp nghe kinh lại về
Tôi ngồi tựa pháp tìm quê
Đã lâu lầm lạc lối mê man tình
Tôi ngồi quên bóng quên hình
Quên kinh quên kệ quên mình quên ta
Tôi ngồi sầu rụng thành Hoa
Tịnh liên chớm nở Mạn đà la rơi

Thế là trên cuộc lữ phong trần, nhà thơ Nguyên Cẩn, bằng sự chí thành chân thiết đã chuyển hóa những khối sầu vạn cổ, những ngậm ngùi thế sự, bèo bọt mong manh thành một đóa sen lòng thanh thoát ngát hương. Hương vị thi ca lồng lộng giữa ngày tháng tang bồng, giống như thiền sư Nhất Hạnh cũng thường hay nói hoài như một điệp khúc, khắp đó cùng đây : “Hãy ví khổ đau như là rác rưởi và hạnh phúc như những đóa hoa tươi. Khi chúng ta biết chuyển hóa đau khổ thành phúc hạnh là chúng ta biết cách biến rác rưởi trở thành hoa rồi vậy.”

Thấy như thế và thực hiện được như vậy giữa cuộc đời là một việc làm hy hữu, hiếm hoi, thi nhân hân hoan đi về thế giới nội tâm thâm hậu, thấu suốt xưa sau, nhẹ nhàng hát nghêu ngao những tình khúc vô ngôn, rộn rã ngâm nga thơ Bùi Giáng và đọc hào sảng một bài thơ của thằng bạn lang thang sĩ Tâm Nhiên ở tận cuối góc bể chân trời, mới vừa gởi về mến tặng chiều nay :  

Cuộc lữ đó kể từ đâu chẳng biết
Viễn phương ca ta hát khúc độc hành
Rộn ràng nhịp đập uyên tư mãi
Cùng phù du cát bụi quá mong manh

Đi cho hết những đêm dài tận cuối
Ngời trăng sao trên tư tưởng sương nhòa
Thả bay ý thức rơi ngôn ngữ
Bỏ và buông xuống nhẹ cả cái ta

Xả chấp thật nọ này còn vướng mắc
Chẳng vương chi khi kiến thức giải trừ
Sầu rụng thành hoa hòa hài bước
Khắp trăm miền theo thể điệu như như

Chiều phiêu lãng dừng chân bên quán
Rượu tình thơ dăm ba cốc ven đường
Đời ta đã muôn trùng vạn ngã
Mà chốn nào cũng về nẻo yêu thương

Tâm Nhiên


Thơ Nguyên Cẩn ( chữ nghiêng ) trích trong các thi phẩm :
Ngồi Đợi Gió Sang Canh. Thanh Niên xuất bản 2006
Sầu Rụng Thành Hoa. Thanh Niên xuất bản 2010